Rửa bát đĩa tưởng chừng là việc hết sức đơn giản nhưng nếu mắc phải những sai lầm khá phổ biến dưới đây, bạn có thể rước bệnh về cho bản thân và gia đình.
Việc rửa bát thường chỉ loại bỏ được thức ăn và dầu mỡ chứ không “đuổi” được vi khuẩn hoàn toàn. Những sai lầm cơ bản sau sẽ khiến vi khuẩn trên bát đĩa càng có cơ hội tích tụ, sinh sôi.
Ngâm bát đĩa lâu mới rửa
Sau khi ăn cơm xong, rất nhiều người không muốn rửa bát ngay mà ngâm chúng trong chậu nước. Đây là hành động nuôi dưỡng vi khuẩn. Khoảng thời gian để vi khuẩn xâm nhập bát đĩa là 1 – 4 tiếng sau khi ăn. Trong vòng 8 – 18 tiếng, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.
Nếu cứ sau 20 phút, 1 vi khuẩn lại phân chia thành 8 thì sau 10 giờ sẽ thành hơn 1 tỷ vi khuẩn. Vì vậy bạn hãy cố gắng rửa sạch bát đĩa sau khi ăn hoặc trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Đổ trực tiếp nước rửa lên bát đĩa
Nhiều nghĩ rằng chất tẩy rửa nếu cho trực tiếp vào bát đĩa sẽ giúp tẩy sạch dầu mỡ hiệu quả hơn. Tuy nhiên trên thực tế, điều này không chỉ gây tốn rất nhiều nước mà còn hại sức khỏe. Nhiều khả năng chất tẩy rửa vẫn còn sót lại trên bát đĩa, khi vào cơ thể sẽ gây nhiều vấn đề cho đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng…, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, nội tiết.
Cách làm đúng là cho lượng vừa phải chất tẩy rửa vào bát nước, pha loãng rồi thấm bằng miếng rửa bát. Sau khi rửa sạch, nên để bát đĩa nơi khô ráo.
Cho bát bẩn vào bồn không theo trật tự
Nhiều người có thói quen trút tất cả bát đũa bẩn vào bồn mà không sắp theo trật tự, hậu quả là dầu mỡ từ bát bẩn lan sang bát sạch hơn, vừa khiến bạn mất công sức nhiều hơn vừa dễ gây nhiễm khuẩn chéo.
Do đó, hãy phân loại những thứ ít bám dầu mỡ một bên, còn những bát đĩa bám nhiều dầu mỡ nên được xử lý riêng bằng giấy lau hay tráng qua bằng nước nóng… trước khi cho vào bồn rửa. Trong bồn rửa, bạn nên sắp đĩa, bát to trước, sau đó mới cho bát nhỏ vào sau.
Biến giẻ rửa bát thành “giẻ đa năng”
Một số người vì muốn tiết kiệm hoặc do tiện tay nên chỉ dùng một chiếc khăn vừa rửa bát vừa lau bàn bếp. Thói quen này rất tai hại vì vi khuẩn sẽ lây truyền từ nơi này sang nơi khác, nguy hiểm nhất là dính trên bát đĩa, gây hại sức khỏe.
Hãy sử dụng giẻ rửa bát tách biệt với các loại giẻ lau khác. Chúng đều cần được giặt sạch sau khi dùng và thay thế mỗi tháng một lần.
Không làm khô bát đũa trước khi cất
Nhiều người khi rửa xong liền cất bát đĩa vào tủ để tránh bụi, nhưng môi trường kín và ẩm sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi. Bát đũa chất chồng lên nhau khi chưa khô cũng có thể gây mùi hôi, kém sạch sẽ. Nếu bạn không có tủ sấy bát đũa, khi rửa xong, hãy lau thật khô bằng khăn sạch rồi mới cất đi. Bạn cũng có thể đặt bát đũa đã rửa vào nơi thoáng khí, khô ráo để đảm bảo bát sạch, khô cho lần sử dụng sau.